Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa gửi tới khách hàng thông báo biểu phí mới dành cho dịch vụ thẻ áp, dụng từ ngày 15/7/2018. Vietcombank không phải là "ông lớn" ngân hàng duy nhất tăng phí trong thời gian tới đây.
Đồng loạt tăng phí
Cụ thể, Vietcombank thông báo đến khách hàng biểu phí mới dành cho dịch vụ thẻ với mức phí tăng thêm cho hoạt động nội mạng ATM từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần. Ngoài ra, phí chuyển khoản liên ngân hàng trên ATM cũng tăng lên 3.300 đồng/giao dịch.
Riêng mức phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ Vietcombank tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/lần. Phí chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng là 5.500 đồng/lần trên máy ATM.
Ngoài Vietcombank, hai "ông lớn" khác là VietinBank, BIDV cũng áp dụng mức phí rút tiền nội mạng trên máy ATM là 1.650 đồng/lần.
Như vậy, cả ba ngân hàng quốc doanh lớn đều sẽ áp dụng biểu phí dịch vụ thẻ mới, tăng phí tút tiền ATM nội mạng lên 1.650 đồng/lần (tăng 500 đồng/lần) từ ngày 15/7/2018.
Theo giải thích của các ngân hàng, việc tăng phí này nhằm bù đắp chi phí đầu vào và khuyến khích khách hàng thanh toán theo xu thế hiện đại hoá. "Nếu tính đầy đủ, thì mức thu phí hiện nay không bù đắp được chi phí. Việc tăng phí này không chỉ giúp ngân hàng duy trì đầu tư hệ thống và bù đắp một phần chi phí mà còn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt".
Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng các loại, trong đó khoảng 70 triệu thẻ ATM. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước có lượng thẻ ATM chiếm tỉ trọng khá lớn.
Tăng, nhưng cần hợp lý
Việc tăng phí dịch vụ tại các ngân hàng hiện còn nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ thì cho là "đương nhiên", qua đó giúp ngân hàng có thể bù đắp các chi phí đầu vào và duy trì hoạt động. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng phí dịch vụ của các ngân hàng hiện nay đã cao và cũng chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ.
Cụ thể, đánh giá về các loại phí dịch vụ hiện nay tại các ngân hàng Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng – người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tài chính tại Mỹ - cho rằng, nhiều loại phí ngân hàng hiện nay của Việt Nam không phù hợp, và có những quốc gia biểu phí đang thấp hơn chục lần so với biểu phí ngân hàng Việt Nam.
Ông lấy ví dụ phí sao kê. "Đương nhiên khách hàng được biết tài khoản của mình đang được sử dụng như thế nào. Hay như phí chuyển tiền trong nội bộ ngân hàng, việc thu phí sẽ không hợp lý bởi về bản chất ngân hàng vẫn giữ được số tiền đó", ông Hiếu nhận định.
Chia sẻ kinh nghiệm tài chính tại Mỹ, ông Hiếu cho biết, các loại phí ngân hàng tại quốc gia này ít hơn nhiều so với hàng chục loại phí hiện nay ở Việt Nam. Hay nói cách khác, các loại phí ngân hàng ở Mỹ chỉ mang tính chất tượng trưng. "Đây là một hiện tượng bất hợp lý, ngược chiều, khi so sánh dịch vụ ngân hàng tại Mỹ với dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam", ông Hiếu nhấn mạnh.
Việc các ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí giao dịch nội mạng có thể sẽ kích hoạt "cuộc đua tăng phí ngân hàng" của các ngân hàng thương mại khác trong thời gian tới nhằm tăng nguồn thu, mặc cho khách hàng lên tiếng phản đổi.
Có cái nhìn "thông cảm" hơn với các ngân hàng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng nếu một ngân hàng cần chi phí để bù trừ cho các chi phí đầu tư thường xuyên thì việc tăng phí sử dụng dịch vụ cũng là "điều dễ hiểu".
Cụ thể, để duy trì dịch vụ ATM, ngân hàng phải chi phí đầu tư máy móc thiết bị rất lớn, chi cho nhân công tiếp quỹ, bảo trì bảo dưỡng máy móc, an ninh... "Rất khó nói mức phí mà ngân hàng thu hiện nay cao hay thấp, do cơ chế thị trường, khi ấn định mức phí ngân hàng phải có sự tính toán, cân nhắc và so sánh", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, khách hàng không phải trả cho tất cả các loại phí đó mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng phải "hãm phanh" tăng phí dịch vụ của các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 5 vừa qua. Cụ thể, trước những phản ứng gay gay của dư luận về việc các ông lớn ngân hàng đồng loạt tăng phí thẻ ATM, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng dừng việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.