Mô hình chăn nuôi trâu, bò cho thu nhập cao của một hộ dân ở thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Cạn).
Thành lập từ năm 2003, huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) có xuất phát điểm là một trong những huyện nghèo nhất cả nước (huyện 30a). Ðến nay sau 15 năm, Pác Nặm trở thành huyện trọng điểm của tỉnh về chăn nuôi đại gia súc, với các chợ mua bán trâu, bò quy mô lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo nhờ chăn nuôi
Phó Bí thư Huyện ủy Pác Nặm Nguyễn Ðình Ðiệp chia sẻ: Nhận thấy địa phương có nhiều đồi núi cao, ít ruộng nước, người dân có kinh nghiệm nuôi đại gia súc, huyện quyết định chọn chăn nuôi là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Những nguồn lực từ Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới… được chú trọng hỗ trợ người dân theo hướng này.
Xã Công Bằng lựa chọn hai thôn khó khăn là Nặm Sai, Cốc Nọt để sử dụng nguồn kinh phí Chương trình 30a hỗ trợ người dân chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Gia đình ông Triệu Tòn San ở thôn Nặm Sai trồng bốn bung cỏ voi, mỗi lứa nuôi hai con, sau ba tháng xuất bán mỗi con lãi từ năm đến sáu triệu đồng. Tương tự là các hộ như Vừ A Dàng, Trang A Chạ ở thôn Cốc Nọt, cứ ba tháng một lần thu lãi hơn 10 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Công Bằng Nông Văn Tịch cho biết: "Chúng tôi mở các lớp tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn, phòng bệnh trâu, bò cho hàng trăm lượt hội viên. Ðối với các thôn xa, hội phối hợp UBND xã cử cán bộ xuống tận nơi cầm tay, chỉ việc. Bà con thấy hộ khác làm, thu lãi nhiều trong thời gian ngắn thì tin tưởng, làm theo, nuôi nhốt, vỗ béo trâu, bò trở thành phong trào trong cả xã".
Số lượng nuôi vỗ béo xuất bán được đưa ra giao thương tại chợ trâu, bò Công Bằng. Chợ họp sáu phiên mỗi tháng, mỗi phiên giao dịch từ 150 đến 300 con, thu hút thương lái từ các tỉnh vùng xuôi. Bình quân mỗi con trâu, bò có giá trị từ 10 đến 15 triệu đồng. Gia đình anh Triệu Tòn Dất ở thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng trước làm đủ nghề nhưng vẫn không thoát nghèo vì chỉ có một bung rưỡi (1.500 m2) ruộng một vụ. Ðược Hội Nông dân xã tập huấn, hướng dẫn nuôi nhốt, vỗ béo trâu, bò, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, có của ăn của để. Theo anh Dất, mua trâu, bò gầy về nuôi nhốt, vỗ béo bằng cỏ voi, bổ sung thức ăn tinh, từ hai đến ba tháng thì xuất bán, mỗi con lãi từ ba đến bốn triệu đồng. Tháng trước, anh vừa bán sáu con bò, lãi hơn 20 triệu đồng, một món tiền lớn mà trước đây anh chưa bao giờ nghĩ sẽ có được.
Nuôi nhốt, vỗ béo đại gia súc đã trở thành phong trào ở vùng cao Pác Nặm. Ðến nay, toàn huyện Pác Nặm đạt tổng đàn đại gia súc khoảng 18.000 con, đứng đầu cả tỉnh, số hộ chăn nuôi trâu, bò chiếm khoảng 70%, các xã trồng được hơn 100 ha cỏ voi, cỏ VA06... Huyện ban hành đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở đó có cơ chế hỗ trợ về vốn vay, khoa học - kỹ thuật, cụ thể hóa từng đối tượng, định mức hỗ trợ để tạo cơ hội cho người dân phát triển chăn nuôi.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Ðể tạo thị trường tiêu thụ, hình thành hướng sản xuất hàng hóa, Pác Nặm chủ động củng cố, hỗ trợ phát triển ba chợ trâu, bò. Chợ trâu, bò Nghiên Loan đặt ở xã đầu huyện, mỗi phiên giao dịch từ 350 đến 400 con trâu, bò. Chợ Bộc Bố đặt ở trung tâm huyện lỵ, mỗi phiên giao dịch 150 đến 200 con. Chợ Công Bằng đặt ở xã cuối huyện, mỗi phiên giao dịch 150 đến 300 con. Thương lái đến từ các tỉnh miền xuôi, Cao Bằng, Tuyên Quang… mỗi phiên thường mua từ 15 đến 17 con, đủ một xe ô-tô vận chuyển về bán cho các lò mổ chuyên nghiệp. Mỗi phiên giao dịch, các chợ bán được ít nhất là hai phần ba tổng số gia súc đưa đến. Pác Nặm trở thành điểm mua bán gia súc quy mô lớn ở khu vực phía bắc.
Trong tổng đàn 18.000 con, huyện Pác Nặm chỉ đạo dành tỷ lệ từ 20 đến 30% con khỏe mạnh để sinh sản, số còn lại chuyển sang nuôi vỗ béo quay vòng. Bình quân mỗi lứa, toàn huyện nuôi khoảng 11.000 con vỗ béo, mỗi năm nuôi ba lứa, xuất bán 33.000 con. Huyện phấn đấu mỗi năm giá trị kinh tế từ xuất bán gia súc đạt hơn 90 tỷ đồng trong khi tổng đàn giữ ổn định, vẫn tăng thêm nhờ trâu, bò sinh sản.
Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ðình Ðiệp cho biết, huyện chỉ đạo xây dựng chính sách sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp tập trung hỗ trợ mỗi thôn có ít nhất từ hai đến ba hộ trở lên nuôi quy mô hơn 10 con. Huyện sẽ hỗ trợ những hộ khá, có đất làm chuồng trại lớn, có kỹ thuật. Những hộ này sẽ là tấm gương để hộ nghèo noi theo, từ đó khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ðối với hai xã lựa chọn hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 là Bộc Bố và Giáo Hiệu, Huyện ủy Pác Nặm phân công ủy viên BCH Ðảng bộ huyện phụ trách từng thôn ở hai xã đôn đốc, hướng dẫn.
Có thể thấy chăn nuôi đại gia súc ở Pác Nặm đã chuyển biến tích cực, tuy nhiên một số thôn, bản ở vùng cao vẫn nuôi, nhốt gia súc dưới sàn nhà, gần nhà không bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc kiểm soát dịch bệnh tại các chợ trâu, bò có lúc chưa chặt chẽ dẫn tới lây lan dịch bệnh. Thời gian tới, Pác Nặm chú trọng kiểm soát kỹ chất lượng con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với chính sách hỗ trợ, bám sát quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp từng xã
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.