Trang

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Lựa chọn chứng chỉ tiền g���i hay sổ tiết kiệm?

Chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm là hai hình thức huy động tiền phổ biến của các ngân hàng hiện nay. Để có thể đưa ra được quyết định đúng khi lựa chọn, nhà đầu tư cần nắm rõ lãi suất, chi phí cơ hội và những ưu đãi đi kèm của các hình thức này.
lua chon chung chi tien gui hay so tiet kiem
Nhà đầu tư nên cân nhắc khi đầu tư Chứng chỉ tiền gửi (Ảnh minh họa)
Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of deposit) là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Chứng chỉ tiền gửi áp dụng lần đầu tiên ở Mỹ lần đầu tiên vào năm 1961, sau đó được lưu hành rộng rãi trên thế giới. Người sở hữu chứng chỉ này sẽ được hưởng lãi suất và được quyền cho, tặng và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành tương tự như hình thức sổ tiết kiệm
Thời gian gần đây, chứng chỉ tiền gửi trở thành sản phẩm gây chú ý trên thị trường. Hàng loạt các ngân hàng thương mại liên tục chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn nhất, thậm chí còn được nhiều người gọi là "siêu lãi suất" là ở các kỳ hạn dài. Vậy câu hỏi đặt ra là người mua chứng chỉ tiền gửi được lợi gì hơn so với sổ tiết kiệm?
Người mua chứng chỉ tiền gửi được hưởng mức lãi suất cao hơn?
Lãi suất là yếu tố đầu tiên thu hút người có tiền nhàn rỗi. Chỉ trong vài tháng gần đây lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi đã được đẩy lên mức cao nhất từ đầu năm tới thời điểm hiện tại.
Tại Sacombank, khách hàng tham gia chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48%/năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88%/năm cho năm đầu tiên.
LienVietPostBank cũng phát hành chứng chỉ trung hạn (18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng, với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm.
Ngân hàng Việt Á chỉ kỳ hạn từ 6 -18 tháng đã hưởng lãi suất 6,9 - 8,2%/năm. Cũng tại ngân hàng này, không chỉ thời hạn được kéo ngắn xuống, mệnh giá chứng chỉ cũng được kéo xuống chỉ còn từ 1 triệu đồng/chứng chỉ.
Đặc biệt, VPBank hiện có mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất với mức 9,2%/năm áp dụng cho số tiền trên 5 tỷ và kỳ hạn 5 năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất thời điểm hiện tại.
Chứng chỉ tiền gửi hay sổ tiết kiệm dễ thanh khoản hơn?
Về lý thuyết, người mua chứng chỉ tiền gửi không được thanh toán trước hạn. Nếu có nhu cầu về vốn mà giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán, người mua chỉ có thể "cầm cố" giấy tờ có giá này để vay vốn và tất nhiên, lãi suất cho vay lại sẽ cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua.
Đối với chứng chỉ tiền gửi hiện nay, khách hàng cũng có quyền rút trước hạn và hưởng lãi suất không kỳ hạn. Hình thức này cũng tương đương với việc khi khách hàng tất toán sổ tiết kiệm trước hạn. Do đó, hai hình thức này được xem là có tính thanh khoản như nhau.
Người sở hữu chứng chỉ tiền gửi được hưởng ưu đãi gì?
Trên thực tế, bên cạnh việc đưa ra mức lãi suất cao thì nhiều ngân hàng lại đưa ra những ưu đãi rất hấp dẫn đó là khả năng chiết khấu hoặc cầm cố chứng chỉ để rút tiền trước thời hạn, điển hình như Sacombank, VPBank, VIB.
Cụ thể, Sacombank cho phép khách hàng sở hữu chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm + 1 ngày và 7 năm có thể cầm cố lại chứng chỉ sau thời gian 1 năm với mức lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động của chứng chỉ. Tại VIB, khách hàng cũng được quyền lợi tương tự khi thực hiện cầm cố sau 6 tháng kể từ ngày gửi.
VPBank có quy định về mức lãi suất cho vay ưu đãi khi khách hàng thực hiện cầm cố lại chứng chỉ dựa trên thời gian thực gửi như dưới 6 tháng sẽ cộng 2% so với lãi suất của chứng chỉ; từ 6 đến 12 tháng cộng 1%; từ 12 tháng trở lên là 0%.
Với ưu đãi này của ngân hàng, khách hàng sẽ vừa được hưởng mức lãi suất cao trong 1 năm đầu và vẫn rút được toàn bộ số tiền sau một khoảng thời gian nhất định mà không phải chờ đến ngày đáo hạn của chứng chỉ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều áp dụng hình thức ưu đãi kép này. Khi cầm cố chứng chỉ tại LienVietPostBank hay VietABank khách hàng vẫn phải chịu mức lãi suất vay tương tự như khi cầm cố sổ tiết kiệm bình thường với mức chênh lệch từ 2,5% đến 3% so với mức lãi suất trên chứng chỉ.
Như vậy, tuy bị hạn chế lựa chọn kỳ hạn gửi nhưng xét về lãi suất trong cùng 1 kỳ hạn thì chứng chỉ tiền gửi thường có mức cao hơn sổ tiết kiệm. Mặc khác, chứng chỉ tiền gửi cũng đang được khuyến khích bởi các ngân hàng khi đưa ra một số các ưu đãi hơn hẳn so với việc gửi tiết kiệm truyền thống. Do vậy, người gửi tiền cần nắm rõ được các chính sách đối với từng loại sản phẩm để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.