Các cơ sở lưu trú du lịch có thể được hưởng cơ chế giá điện mới ngang bằng giá điện sản xuất, thấp hơn nhiều so với giá điện kinh doanh hiện nay..
Nếu điều chỉnh giá điện theo dự thảo sẽ giúp doanh thu toàn ngành du lịch tăng từ 480 - 960 tỷ đồng.
Theo dự thảo lần 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn, biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ du lịch sẽ được chuyển từ đối tượng tiêu dùng điện kinh doanh sang đối tượng sản xuất.
Cũng theo dự thảo này, cơ cấu giá bán lẻ điện sẽ được chia thành 4 nhóm đối tượng khách hàng. Cụ thể bao gồm, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch; giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp; giá bán lẻ điện sinh hoạt và giá bán lẻ điện cho kinh doanh.
Đáng chú ý, nhóm cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất hưởng cơ chế giá điện mới ngang bằng giá điện sản xuất, thấp hơn nhiều so với mức áp giá điện kinh doanh hiện nay.
Cụ thể, nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn, biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ du lịch sẽ được chuyển từ đối tượng tiêu dùng điện kinh doanh sang đối tượng sản xuất.
Tỷ lệ so với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền thấp nhất nằm ở nhóm ngành sản xuất và cơ sở lưu trú du lịch với mức 51%, 56%, 59%, 67% giờ thấp điểm, áp dụng cho các cấp điện cao áp, trung áp và hạ áp. Tỷ lệ áp dụng cho giờ bình thường là 81%, 84%, 85% và 92%.
Đối với giờ cao điểm, tỷ lệ áp dụng so với mức giá điện bình quân được phép điều chỉnh theo thẩm quyền lần lượt là 144%; 150%, 156% và 167%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tác động tích cực của đề xuất này là sẽ giúp phát triển ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo đánh giá tác động, mức giảm giá điện dành cho khách sạn vào khoảng 37%, khi đó giá phòng khách sạn của thể giảm ở mức 0,65%, làm tăng nhu cầu khách sạn vào khoảng 0,12-0,24%.
Năm 2016, doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam là 400.000 tỷ đồng, nên nếu điều chỉnh giá điện theo dự thảo sẽ giúp doanh thu tăng thêm cho toàn ngành du lịch từ 480 - 960 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đề xuất này, theo phân tích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là sẽ làm doanh thu bán điện của EVN giảm khoảng 1.858 tỷ đồng (số liệu năm 2016) và 2.630 tỷ đồng (tương ứng sản lượng điện thương phẩm dự kiến năm 2018).
Từ đó, EVN cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh tăng giá cho nhóm khách hàng sản xuất để bù đắp cho khoản giảm doanh thu này, cũng như làm giảm khoảng cách với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ.
EVN đề xuất phương án là điều chỉnh nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch sang nhóm khách hàng sản xuất và phân bổ khoản giảm doanh thu của EVN theo tỷ lệ của giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm của từng cấp điện áp tương ứng và đảm bảo giá bán điện bình quna thực hiện không đổi.
Trong khi đó, cũng góp ý cho đề xuất tại dự thảo, Bộ Tài chính đồng tình với việc chuyển nhóm khách hàng du lịch từ đối tượng tiêu dùng điện cho kinh doanh sang đối tượng sản xuất.
Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, thực tế có cơ sở lưu trú du lịch (như khách sạn) cung cấp các dịch vụ khác như dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, khu liên hợp thể dục thể thao, quầy hàng... Đều sử dụng điện.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn trong việc áp dụng giá bán điện cho đối tượng này, đồng thời hướng dẫn các đối tượng cơ sở lưu trú du lịch tránh phát sinh các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần đánh giá rõ và cụ thể hơn các kịch bản tác động chi phí của việc chuyển nhóm các cơ sở lưu trú du lịch sử dụng điện kinh doanh sang điện sản xuất để có lựa chọn tốt nhất, cân bằng về kinh tế.
Đơn vị này đặt câu hỏi, liệu lợi ích của việc giảm giá điện với ngành khách sạn có lớn hơn chi phí đối với ngành điện, với nền kinh tế phải gánh chịu hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.